Trong số 100 loại virus u nhú ở người (HPV), có hơn 40 chủng gây nên các bệnh đường sinh dục. Khoảng 15 trường hợp được coi là “nguy cơ cao” vì chúng có khả năng dẫn đến căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở phụ nữ như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ,…
HPV là gì?
HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus – virus gây u nhú ở người. Có khoảng 100 loại HPV ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Khoảng 40 loại HPV có thể gây ra các bệnh về đường sinh dục bao gồm: Âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật, bìu, cũng như trực tràng và hậu môn,… Trong số đó, khoảng 15 loại được coi là có “nguy cơ cao” dẫn đến ung thư cổ tử cung. (1)
Những bệnh nhiễm trùng do virus HPV gây ra thường lây truyền qua đường tình dục hoặc qua các tiếp xúc da kề da. Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu giúp chống lại các chủng HPV có khả năng gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư cổ tử cung.
HPV có bao nhiêu chủng?
Các nhà khoa học đã xác định được hơn 100 chủng virus HPV khác nhau. Hầu hết chúng đều vô hại, không có triệu chứng và tự khỏi mà không cần điều trị.
Có hơn 40 chủng virus HPV có thể gây nhiễm trùng đường sinh dục và hậu môn. Trong số này, 15 chủng HPV nguy cơ cao, có khả năng gây ra các bệnh ung thư khác nhau, từ ung thư cổ tử cung, hậu môn đến các bộ phận sinh dục khác. Những chủng ít nguy hiểm hơn có thể gây ra mụn cóc ở bàn tay, bàn chân (đặc biệt là lòng bàn chân), mụn cóc sinh dục,… Một số chủng HPV thường gặp bao gồm:
HPV 6 và HPV 11
Đây là những chủng HPV nguy cơ thấp. Chúng có liên quan đến khoảng 90% tình trạng mụn cóc sinh dục. HPV 11 cũng có thể gây ra những thay đổi đối với cổ tử cung.
Tiêm vaccine HPV là biện pháp giúp ngăn ngừa HPV 6 và HPV 11 hữu hiệu. Các nghiên cứu cho thấy vaccine đạt hiệu quả lên đến 89-99% trong việc chống lại HPV 6 và HPV 11 ở những người từ 9-26 tuổi.
Trường hợp bạn đã nhiễm HPV 6 hoặc HPV 11, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc như imiquimod (Aldara, Zyclara) hoặc podofilox (Condylox). Đây là những loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng phá hủy các mô mụn cóc ở bộ phận sinh dục.
HPV 16 và HPV 18
HPV 16 là chủng HPV nguy cơ cao và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Đây là tác nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung – căn bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới.
HPV 18 là một chủng HPV nguy cơ cao khác. Giống như HPV 16, nó thường không gây ra triệu chứng nhưng có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
HPV 16 và HPV 18 là căn nguyên của khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Tiêm vaccine HPV là cách bảo vệ bạn trước hai chủng HPV này. (2)
HPV có lây không?
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, các virus gây u nhú ở người (HPV) rất dễ lây lan. Tuy nhiên, HPV không lây truyền qua các chất dịch cơ thể như tinh dịch hoặc nước bọt, mà là do tiếp xúc da với da. Điều này dễ xảy ra nhất khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Tình trạng lây nhiễm cũng có thể xảy ra nếu HPV tiếp xúc với màng nhầy (ở miệng, môi, hậu môn, các bộ phận của cơ quan sinh dục) hoặc vết nứt trên da, chẳng hạn như vết rách âm đạo.
Người ta ước tính rằng hầu hết những người có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó. Bao cao su, khi được sử dụng đúng cách, sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV.
Dấu hiệu nhiễm HPV
Cơ thể bị nhiễm virus HPV sẽ hình thành mụn cóc dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào loại HPV: (3)
- Mụn cóc sinh dục: Xuất hiện dưới dạng vết sưng không đau, tiết dịch và gây ngứa. Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục chủ yếu xuất hiện ở âm hộ nhưng cũng có thể gặp ở gần hậu môn, trên cổ tử cung hoặc trong âm đạo. Ở nam giới, mụn cóc sinh dục hình thành trên dương vật và bìu hoặc xung quanh hậu môn.
- Mụn cóc thông thường: Xuất hiện trên bàn tay và ngón tay dưới dạng những nốt sần sùi, gồ lên. Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc dạng này chỉ gây mất thẩm mỹ, nhưng đôi lúc cũng gây đau đớn hoặc chảy máu.
- Mụn cóc Plantar: Là những mụn cứng, sần sùi, thường xuất hiện ở gót chân hoặc lòng bàn chân, gây ngứa ngáy khó chịu.
- Mụn cóc phẳng: Là những nốt có đầu phẳng, hơi nhô cao. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Trẻ em thường bị ở mặt, phụ nữ bị ở chân còn nam giới có xu hướng nổi ở vùng râu.
Phương pháp chẩn đoán nhiễm virus HPV
Các phương pháp xét nghiệm sau thường được chỉ định để chẩn đoán nhiễm HPV:
1. Xét nghiệm Pap Smear (còn gọi là xét nghiệm Pap, xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung)
Đây là xét nghiệm tế bào học nhằm thu thập và phân tích các tế bào ở cổ tử cung, phát hiện các bất thường cấu trúc và hình thái như dị sản, loạn sản,… là mầm mống của tế bào ung thư, từ đó giúp phát hiện bệnh sớm. Bên cạnh đó, một số tế bào cổ tử cung cũng được sử dụng để làm xét nghiệm tìm HPV.
Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mỏ vịt nhẹ nhàng đưa vào bên trong âm đạo, mở rộng và cố định thành âm đạo để có thể nhìn thấy rõ khu vực cổ tử cung.
Tiếp đó, bác sĩ sẽ dùng một que gỗ để lấy mẫu ở cổ tử cung. Tế bào này được phết lên một nửa lam kính ở phần kính mờ, phết mỏng và theo một chiều duy nhất, nhẹ nhàng và tỉ mỉ để tránh hủy hoại tế bào cũng như tế bào bị vón cục. Tiếp tục phết tế bào lên một nửa lam kính còn lại, xoay vòng bàn chải theo chiều dài lam kính. Đặt phết thứ hai lên phết đầu tiên, chuyển đến phòng xét nghiệm để phân tích kết quả.
Quá trình này kéo dài trong vòng vài phút và thường không gây đau. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, người nữ có thể thấy khó chịu hoặc chảy máu âm đạo nhẹ. Tình trạng này ít khi xảy ra, tuy nhiên nếu kéo dài cần thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp xử trí kịp thời.
2. Xét nghiệm Thinprep
Thinprep là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được cải tiến so với xét nghiệm Pap Smear. Để lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ sẽ dùng chổi tế bào để lấy các mẫu tế bào ở khu vực cổ tử cung. Do đó, lượng tế bào thu thập được sẽ nhiều hơn. Các tế bào này được rửa trong chất lỏng định hình và cho vào lọ Thinprep, sau đó được bảo quản và mang đến phòng thí nghiệm. Tiêu bản được xử lý hoàn toàn tự động từ kỹ thuật tách chiết và phết tế bào lên mặt lam kính. Cuối cùng, bác sĩ Giải phẫu bệnh sẽ tiến hành phân tích và cho kết quả.
3. Xét nghiệm DNA của HPV
Xét nghiệm HPV DNA sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động và công nghệ hiện đại nhằm phân tích, xác định chính xác sự hiện diện virus HPV. Phương pháp này không khẳng định 100% phụ nữ có mắc ung thư cổ tử cung hay không, nhưng dựa vào kết quả thu được có thể phát hiện được virus gây bệnh đang tồn tại trong cơ thể, nhờ đó đánh giá nguy cơ mắc bệnh trong tương lai để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Thông thường, xét nghiệm HPV DNA được thực hiện đồng thời cùng xét nghiệm Pap Smear hoặc xét nghiệm Thinprep để phát hiện và đánh giá những tế bào bất thường có nguy cơ gây ung thư từ sớm.
4. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus HPV
Để quá trình chẩn đoán nhiễm virus HPV cho kết quả chính xác, phụ nữ cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng trước khi thực hiện các xét nghiệm, bao gồm:
- Không sử dụng kem bôi trơn âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.
- Không thực hiện xét nghiệm trong những ngày kinh nguyệt vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng mẫu thu thập được. Thời điểm thích hợp nhất để xét nghiệm là ít nhất 5 ngày sau khi sạch kinh.
- Không làm xét nghiệm trong vòng 48 – 72 giờ sau quan hệ tình dục.
- Không thụt rửa âm đạo, tác động đến vùng âm đạo trong vòng 2 – 3 ngày trước khi làm xét nghiệm.
- Cần thông báo ngay với bác sĩ chỉ định xét nghiệm nếu bạn đang đặt thuốc hoặc trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
Điều trị nhiễm HPV
Trong nhiều trường hợp, tình trạng nhiễm HPV sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì. Trên thực tế, khoảng 70 – 90% người nhiễm HPV được hệ thống miễn dịch loại bỏ virus khỏi cơ thể.
Khi cần điều trị, mục tiêu làm giảm triệu chứng bằng cách loại bỏ mụn cóc cũng như các tế bào bất thường trong cổ tử cung. Hướng điều trị thường là:
- Phẫu thuật lạnh: Làm đông lạnh mụn cóc bằng nitơ lỏng.
- Quy trình cắt bỏ phẫu thuật điện vòng (LEEP): Sử dụng một vòng dây đặc biệt để loại bỏ các tế bào bất thường.
- Đốt điện: Đốt mụn cóc bằng dòng điện.
- Liệu pháp laser: Sử dụng ánh sáng cường độ cao để tiêu diệt mụn cóc và các tế bào bất thường.
- Thuốc bôi: Bôi kem thuốc trực tiếp lên mụn cóc (lưu ý không sử dụng các phương pháp điều trị mụn cóc không được kê đơn trên bộ phận sinh dục).
Phòng tránh nhiễm HPV
Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV. Tuy nhiên, bao cao su không bao phủ toàn bộ da bộ phận sinh dục. Vì vậy, nó không có hiệu quả 100% trong việc bảo vệ bạn khỏi sự lây lan của HPV. Người bị mụn cóc sinh dục không nên quan hệ tình dục cho đến khi mụn cóc được loại bỏ hoàn toàn.
Một số cách khác để giảm nguy cơ nhiễm HPV gồm có:
- Quan hệ tình dục an toàn, tránh việc quan hệ với nhiều bạn tình cùng lúc.
- Phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap/Thinprep/HPV DNA định kỳ hàng năm hoặc mỗi 3 năm để phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung – dấu hiệu tiền ung thư.
- Nam và nữ nên dừng quan hệ tình dục ngay khi biết hoặc nghĩ mình mắc bệnh sùi mào gà, sau đó cần đi khám và điều trị triệt để.
- Tiêm ngừa vắc xin phòng HPV: Tại Việt Nam đang lưu hành vắc xin phòng ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV. Vắc xin được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Ngoài ra, các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể tiêm loại vắc xin này để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV dẫn tới ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi, ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật,…).
- Tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tổn thương do nhiễm virus HPV.
- Website, N. (2024, April 3). Human papillomavirus (HPV). nhs.uk. https://www.nhs.uk/conditions/human-papilloma-virus-hpv/
- Wikipedia contributors. (2024, March 14). Human papillomavirus infection. Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Human_papillomavirus_infection
- HPV infection – Symptoms & causes – Mayo Clinic. (2021, October 12). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hpv-infection/symptoms-causes/syc-20351596